Thiết kế ra một slogan ấn tượng chính là phương tiện hiệu quả nhất giúp bạn thu hút được sự chú ý từ khách hàng mục tiêu, tạo ấn tượng và góp phần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu hoàn hảo hơn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ cho bạn 5 nguyên tắc quan trọng giúp bạn tạo ra một slogan ấn tượng.
1. Truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa thông điệp
Về cơ bản, một mình tên thương hiệu không thể diễn đạt được hết sứ mệnh hay nhiệm vụ mà thương hiệu hứa hẹn mang đến cho khách hàng. Nên thông điệp mà slogan truyền tải cùng hình ảnh logo khắc ghi trong tâm trí khách hàng khi họ tình cờ nhìn thấy bộ nhận diện thương hiệu ở bất kỳ đâu rất quan trọng. Sở hữu một câu Slogan hay giống như một niềm tin thương hiệu, làm nổi bật giá trị và tinh thần thương hiệu đó.

Từ lâu, Nike đã trở thành một trong những hãng thời trang thể thao lớn nhất thế giới nhờ vào sản phẩm sáng tạo và câu slogan cực chất “Just do it”. Câu khẩu hiệu này nhắm vào đối tượng là người Mỹ – bất kể tuổi tác, giới tính hay thể lực – và khuyến khích họ hướng đến một cuộc sống tốt về sức khỏe, thể chất và sự hứng khởi. Nhiều vận động viên nổi tiếng đã quảng cáo cho sản phẩm giày của Nike và truyền cảm hứng cho giới trẻ sử dụng thời trang của hãng.
2. Khơi gợi nên cảm xúc
Một câu slogan thành công là khi nhắc đến, mọi người liên tưởng được ngay đến thương hiệu đó. Con người thường có xu hướng nhớ những câu chữ, lời ca mà tạo cho họ cảm xúc nhất định. Việc đầu tư cho mình một slogan ấn tượng mạnh mẽ luôn là quyết định đúng đắn.

Và với thông điệp “đánh thức” được những cung bậc cảm xúc, mong muốn từ bên trong khách hàng như câu Slogan “Ngọt ngào như vòng tay âu yếm” của Alpenliebe đã thực sự chinh phục được trái tim của người khách hàng, kể cả những khách hàng khó tính nhất.

Ví dụ khác về slogan của Biti’s “Nâng niu bàn chân Việt”. Câu slogan này không những làm rõ được mục tiêu của sản phẩm mà còn gợi lên cảm xúc nơi người xem. Hơn 35 năm, Biti’s thực hiện sứ mệnh “nâng niu bàn chân Việt” với mẫu mã, thiết kế nguyên bản đánh vào phân khúc “bình dân”. Cùng với dòng chảy kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Biti’s đã kết hợp với Soobin Hoàng Sơn cho ra mắt những MV hit “Đi để trở về” với thông điệp gia đình luôn đợi ta trở về nhà.
3. Ngắn gọn, súc tích
Slogan thường có từ 2 – 5 từ, tối đa là 8 từ đơn giản, dễ nhớ. Những slogan dài ngoằng sẽ gây khó khăn để ghi nhớ, bởi vậy các thương hiệu thường ưu tiên lựa chọn slogan ngắn gọn. Nội dung tuy đơn giản, súc tích nhưng chứa đựng được thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải đến khách hàng.
Khi chọn từ ngữ, hãy chọn những từ đơn giản và dễ hiểu. Bạn sẽ không muốn mọi người khó khăn trong việc tìm ra ý nghĩa các từ trong slogan của bạn, thay vì nhận được hình ảnh đầy đủ ngay lập tức trên thông điệp mà bạn đang chuyển tải.

Ví dụ điển hình đó là “Real Beauty” (Dove, 2004), chiến dịch “Real Beauty” của Dove đã sử dụng slogan cùng tên này. Đây là nỗ lực của thương hiệu nhằm nâng cao nhận thức về cơ thể và sự chấp nhận của phụ nữ về những điểm không hoàn hảo trên cơ thể. Dove đã cố gắng để giải quyết điều đó bằng chiến dịch với slogan ngắn gọn nhưng ý nghĩa nhằm tôn vinh người phụ nữ.
4. Đưa vào slogan vần điệu, nhịp điệu, và chút thanh nhạc
Để thông điệp dễ dàng đi vào tâm trí người tiêu dùng, gieo vần điệu là một trong những gợi ý không tồi. Sự hiệp vần sẽ tạo “tính nhạc” cho slogan, giúp khách hàng nhớ đến thông điệp, sản phẩm của công ty bạn hơn. Thực tế, nhờ gieo vần mà không ít slogan trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người, đi vào cuộc sống thường nhật một cách rất tự nhiên.

“Maybe she’s born with it. Maybe it’s Maybelline” là một trong số đó. Kể từ khi tung ra slogan này năm 1991, Maybeline, thuộc công ty mẹ L’Oreal, đã sử dụng nó cho đến bây giờ. Câu slogan là bằng chứng về hiệu quả của dòng sản phẩm này, chú trọng vào vẻ đẹp của phụ nữ và trang điểm như thế nào để người phụ nữ trở nên tự tin hơn với vẻ đẹp của mình ngay cả khi họ không phải là người mẫu.
Không có cách nào tốt hơn để giúp cho slogan dễ nghe, dễ nhớ, dễ đọc bằng cách tạo ra âm điệu cho nó. Câu Slogan ấn tượng có thể được sáng tạo ngẫu nhiên dựa trên một bài thơ, điệu nhạc, hoặc gieo từ có vần điệu như cách Samsung đã thực hiện với câu: “Càng nghe càng đắm càng ngắm càng say”.
5. Nói đúng sự thật
Khẩu hiệu nên nêu rõ đặc tính sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu, một slogan hay cần gợi lên suy nghĩ tích cực với thương hiệu, mang đến niềm tin và độ tin cậy cho khách hàng. Khi viết slogan chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng phóng đại, cường điệu hóa khả năng, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhưng điều này đặc biệt nên tránh. Những câu đại loại kiểu “giữ vị trí số 1 trong…”, “…tốt nhất…” sẽ tạo cảm giác chung chung, không rõ ràng và chắc chắn sẽ bị đánh giá là không thành thật bởi chẳng có thống kê hay đo lường cụ thể để khẳng định doanh nghiệp đó giữ vị trí số mấy. Hầu hết các slogan như vậy đều không nhận được phản ứng tích cực từ người tiêu dùng.

Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể thành thật nhưng khéo léo khoe điểm nổi bật của doanh nghiệp mình. Ví dụ như Big C “Giá rẻ cho mọi nhà” Thể hiện trên lời hứa của thương hiệu cốt lõi là cung cấp giá rẻ hàng ngày cho tất cả các gia đình Việt Nam, Big C đã phát triển trở thành nhà bán lẻ kênh siêu thị hàng đầu Việt Nam.
6. Tạo ra được sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh
Điều chính yếu mà slogan cần làm được đó là tạo nên sự khác biệt giữa sản phẩm của thương hiệu bạn và các đối thủ cạnh tranh khác, đồng thời đưa vào đó tinh thần sứ mệnh chung của doanh nghiệp. Đừng để khách hàng đọc slogan và không thể mường tượng được sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh của công ty bạn có gì đặc biệt so với sản phẩm khác. Slogan là sự tương tác đầu tiên với khách hàng, vì vậy hãy tận dụng nó để giới thiệu sản phẩm của bạn khác biệt như thế nào.

Một câu khẩu hiệu ý nghĩa còn giúp bạn tăng doanh số và vượt lên đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể lấy cuộc chiến giữa Pepsi-Cola và Coca-Cola làm ví dụ, hai thương hiệu này hướng đến đối tượng khác nhau, do đó slogan cũng có đặc điểm riêng. Coca – cola ra mắt thị trường vào năm 1886, theo sau là Pepsi năm 1898. Hơn 1 thế kỷ qua cả hai thương hiệu này luôn trong trạng thái cạnh tranh với nhau. Do có mùi vị khá giống nhau khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được nên các công ty quảng cáo không thể nhấn mạnh vào sự khác biệt về sản phẩm giữa 2 doanh nghiệp này. Chính vì thế mà họ buộc phải đầu tư vào chất lượng của slogan để tạo ra sự khác biệt trong cuộc chạy đua.
Cuộc chiến xanh – đỏ trong mảng F&B không chỉ là cuộc chiến giữa Coca-Cola và Pepsi, mà còn là cuộc chiến giữa hai thương hiệu thức uống dinh dưỡng dành cho trẻ em – Milo của Nestlé và Ovaltine của FrieslandCampina.

Không lâu trước đây, cư dân mạng đã chia sẻ bức hình chụp một ngã tư tại Quận 3 (TP HCM) về hai nhãn hiệu Milo và Ovaltine cùng treo biển quảng cáo, kèm theo thông điệp gắn với chiến dịch quảng cáo mới nhất. Thú vị hơn, nếu Milo chọn cho mình slogan “Nhà vô địch làm từ Milo” thì ở phía bên kia, Ovaltine phản pháo với slogan trái ngược “Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích”, kèm theo hình ảnh người mẹ đang chỉ tay về phía “đối thủ”. Ngay sau khi bức ảnh được chia sẻ trên mạng, nhiều ý kiến bình luận được đưa ra. Trong đó, đa phần các thành viên ủng hộ quan điểm “đâu phải ai sinh ra cũng để giành chiến thắng hay vô địch”.
Tìm hiểu thêm: Tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược thương hiệu
Lời kết:
Qua các ví dụ trên cho thấy, slogan tốt, hấp dẫn làm tăng nhận biết cho thương hiệu vì nó chính là cầu nối giữa thương hiệu với khách hàng. Một khẩu hiệu quảng cáo sẽ được lặp lại nhằm thu hút và lôi kéo khách hàng mua sản phẩm. Để sáng tạo ra những slogan hiệu quả sẽ mất rất nhiều lần brainstorming trước khi tìm được những từ ngữ đúng gợi lên những cảm xúc dâng trào. Tuy nhiên, slogan thành công hoàn toàn có thể thực hiện được và một khi bạn đã làm được, bạn sẽ hạnh phúc vì thời gian tìm ra nó hoàn toàn xứng đáng. Trong nhiều trường hợp, slogan hiệu quả còn có nghĩa là sự khác biệt giữa một công ty dừng lại ở mức tầm trung và một công ty thực sự tuyệt vời.
Vy Nguyễn
- Written by: eSmart Corp
- Posted on: 18/02/2020
- Tags: Slogan