7 cách để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu

 

Cuộc chạy đua giữa các thương hiệu đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Ngày càng có nhiều thương hiệu độc đáo, mới mẻ ra đời khiến cho người tiêu dùng phải bối rối trong việc lựa chọn nơi ký thác sự tin tưởng của mình. Vậy làm cách nào để doanh nghiệp của bạn có thể tạo ra sự khác biệt, hay nói cách khác là làm “hạc” giữa “bầy gà” ấy. Bí quyết không đâu xa ngoài việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Vậy bộ nhận diện thương hiệu là gì?

Việc nhận diện thương hiệu thường bị nhầm lẫn với logo của công ty, nhưng nó không chỉ có thế. Bộ nhận diện thương hiệu chính là thứ giúp bạn có thể kết nối với khách hàng. Việc thương hiệu của bạn được nhìn thấy, cảm nhận ra sao đều phụ thuộc vào nó. Nó có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của khách hàng và là một yếu tố then chốt để khắc sâu thương hiệu của bạn vào trí nhớ khách hàng.

Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là quan trọng nhất. Bởi nó sẽ định hình cả một tư tưởng về sau của khách hàng đối với bạn. Cũng giống như việc khi bạn mới tiếp xúc một người, nhận định đầu tiên bạn có về người ấy sẽ theo bạn suốt khoảng thời gian về sau dù sau đó người kia có thay đổi cỡ nào đi chăng nữa. Vậy nên  bất kể bạn đang kinh doanh ngành nghề gì, thì việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu luôn luôn phải là trọng tâm của bạn.

Cùng tìm hiểu 7 cách sau để giúp bạn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mạnh.

1. Tiến hành đánh giá thương hiệu

Bước đầu tiên để tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu mạnh là xác định vị thế của bạn trên thị trường. Bạn cần phải lập ra một bảng đánh giá, phân tích kỹ lưỡng để xem khách hàng nhìn nhận doanh nghiệp của bạn như thế nào. Thao tác này sẽ giúp bạn:

  • Xác định vị trí hiện tại của doanh nghiệp
  • Khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp
  • Xác định kỳ vọng của khách hàng đối với doanh nghiệp để có những thay đổi phù hợp
  • Biết được mức độ hài lòng của khách hàng đối với doanh nghiệp

Tất cả những điều trên sẽ giúp bạn phát triển các chiến lược để cải thiện giá trị thương hiệu hiện tại của mình. Qua đó, bạn cũng có thể tìm ra những thiếu sót và kịp thời sửa đổi để thiết lập một bộ nhận diện thương hiệu mà mọi người có thể tin tưởng.

Vậy làm cách nào để bạn có thể đánh giá thương hiệu của mình?

Lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn là hãy đánh giá doanh nghiệp cả về bên trong lẫn bên ngoài. Bạn nên kiểm tra, theo dõi và phân tích các yếu tố sau:

  • Giá trị thương hiệu
  • Văn hóa
  • Giao tiếp
  • Độ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông
  • Hoạt động PR
  • Nội dung

Bây giờ, sau khi bạn đã có cái nhìn tổng quan về vị trí hiện tại của thương hiệu, đã đến lúc so sánh nó với mục tiêu kinh doanh của bạn. Điều này có thể giúp bạn khám phá ra phương hướng làm việc tiếp theo của công ty.

Bạn cũng nên dành thời gian để giao tiếp với khách hàng của mình bằng cách tao các cuộc thăm dò hoặc tiến hành khảo sát trực tuyến. Không ai có thể hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ của bạn hơn khách hàng bởi chính họ là người đích thân trải nghiệm nó. Thông qua khách hàng bạn sẽ có thể nhận rõ được những ưu nhược điểm mà sản phẩm, dịch vụ công ty bạn đang mang lại và tiến hành sửa đổi.

Sau khi đánh giá thương hiệu bạn sẽ có thể nhìn thấy bức tranh thật sự về thương hiệu mình. Điều tiếp theo bạn cần làm chính là khắc phục những vấn đề mà thương hiệu bạn đang vấp phải. Có như vậy thì thương hiệu của bạn mới có thể tiếp tục đứng vững và bước về phía thành công.

Xem thêm:
40 cách để phát triển và bảo vệ thương hiệu của bạn

2. Tìm hiểu đối tượng của bạn

Điều quan trọng là phải xác định được phân khúc khách hàng của bạn để tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu mạnh. Đối với điều này, trước tiên bạn nên xây dựng một chân dung khách hàng. Nhờ đó bạn sẽ có thể xác định được các nội dung phù hợp với đối tượng khách hàng mà bạn đang hướng đến.

Khi bạn xác định đối tượng mục tiêu của mình, bạn cần xem xét nhóm tuổi, địa điểm, nhân khẩu học và sở thích của họ. Những yếu tố này sẽ giúp bạn xây dựng chân dung khách hàng hoàn hảo.

Ví dụ: nếu thương hiệu của bạn bán quần áo dành cho phụ nữ mang thai, thì đầu tiên bạn cần nhắm mục tiêu cụ thể đến các bà mẹ. Sau đó xác định độ tuổi của họ, 18-35 tuổi chẳng hạn. Tiếp theo là khí hậu, địa lý nơi bạn sẽ phân phối những sản phẩm này, tùy thuộc khí hậu mỗi vùng mà bạn sẽ cho ra những sản phẩm phù hợp. Hãy tiếp tục phân tích như thế và cố gắng càng cụ thể càng tốt để có kết quả tốt nhất.

3. Làm nổi bật những nét độc đáo của bạn

Nghiên cứu các thương hiệu khác trong thị trường ngách của bạn để xem cách họ tiếp thị sản phẩm của họ. Tiếp theo, hãy tự hỏi điều gì làm cho thương hiệu của bạn nổi bật so với tất cả các đối thủ cạnh tranh. Điểm đặc biệt thu hút, đặc trưng riêng của sản phẩm (USP) trong thương hiệu của bạn là những gì bạn nên tập trung vào trong khi tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu.

Có thể tìm hiểu thêm qua đường dẫn sau:
USP là gì? Những USP nổi bật từ các thương hiệu lớn trên Thế giới

Sử dụng sự độc đáo của bạn để cho khách hàng thấy tại sao họ nên chọn thương hiệu của bạn thay vì đối thủ cạnh tranh. USP của bạn có thể là bất cứ điều gì. Có thể các sản phẩm của bạn đều được làm thủ công, hữu cơ hoặc làm từ các nguyên liệu thô khác lạ. Dù đó là gì, hãy chắc chắn rằng bạn làm nổi bật nó. Bạn nên kết hợp USP của bạn vào logo, khẩu hiệu và các nội dung thương hiệu khác bất cứ khi nào có thể.

Chiến lược xây dựng thương hiệu của Davidoff là một ví dụ tuyệt vời về điều này. Đó là một thương hiệu cao cấp của Thụy Sĩ đã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xì gà trong 50 năm. Vậy nên, khi giới thiệu thương hiệu của họ trên mạng lưới truyền thông xã hội và các trang mạng, họ đã nhấn mạnh lại điều này – sự uy tín lâu đời của họ. Chính điều ấy đã tạo nên sự khác biệt giữa họ với các đối thủ cùng ngành.

4. Tạo một bản tuyên bố sứ mệnh

Bạn đã biết những chi tiết nhỏ nhất về doanh nghiệp của bạn. Nhưng nếu bạn muốn truyền đạt chúng cho người khác một cách hiệu quả, bạn cần đưa ra một tuyên bố sứ mệnh rõ ràng. Tuyên bố sứ mệnh lý tưởng nhất là một tuyên bố có thể xác định rõ ràng mục tiêu và tầm nhìn cho công ty của bạn. Nó sẽ cho thấy mục đích thực sự của thương hiệu.

Nếu bạn muốn tuyên bố sứ mệnh của bạn có hiệu quả, hãy chắc chắn rằng nó đơn giản. Tránh sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ hoặc những thuật ngữ khó hiểu. Một tuyên bố sứ mệnh tốt nên dễ nhớ một chút, vậy nên ta cần giữ cho nó ngắn gọn và súc tích.

Tuyên bố sứ mệnh của IKEA là một ví dụ điển hình: “Ở IKEA, chúng tôi giúp cho cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày.” Họ đã giữ nó đơn giản để ngay cả một đứa trẻ mười tuổi cũng có thể hiểu và lặp lại nó.

5. Duy trì sự nhất quán trong cá tính thương hiệu

Logo, phông chữ, bảng màu và khẩu hiệu đều là một phần tạo nên cá tính thương hiệu. Để tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu mạnh, bạn cần tìm hiểu xem những gì cộng hưởng tốt với đối tượng mục tiêu của bạn.

Ví dụ: Emporio Armani là một thương hiệu phục vụ cho những người ở tầng lớp thượng lưu. Vì vậy, thương hiệu Armani đã cố tình thiết kế làm sao để có thể bât lên được sự xa xỉ và tinh tế của nó. Ngay từ bảng màu đơn sắc của quảng cáo thương hiệu cho đến tên sản phẩm và thiết kế của họ, bạn có thể nói rằng thương hiệu ấy là đại diện cho sự sang trọng.

Ngoài ra, thương hiệu của bạn cần phải nhất quán ở mọi nơi. Nếu bạn sử dụng màu xanh và màu trắng trong logo của mình, hãy đảm bảo bạn cũng sử dụng chúng ở những nơi khác. Hãy ghi nhớ điều đó khi bạn thiết kế vật liệu đóng gói, trang web và ấn phẩm quảng cáo. Chỉ có một tính cách thương hiệu nhất quán mới có thể để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người khác. Điều chúng ta muốn hướng đến ở đây chính là làm cho logo hoặc khẩu hiệu của bạn trở nên phổ biến đến độ khi người tiêu dùng nhìn thấy chúng thì tiềm thức họ sẽ ngay lập tức liên tưởng đến thương hiệu của bạn. Các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Nestle, McDonald, và các hãng khác đều đã và vẫn đang theo đuổi sự nhất quán trong thương hiệu của mình.

Sự nhất quán không chỉ giúp tăng nhận thức về thương hiệu mà còn ảnh hưởng đến doanh số. Nghiên cứu của Lucidpress đã chứng minh được rằng người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ở các thương hiệu duy trì tính nhất quán và theo nghiên cứu ấy sự nhất quán cũng giúp cho thương hiệu tăng đến 23% doanh thu.

6. Hình thành tiếng nói thương hiệu của bạn

Cũng giống như việc xây dựng tính cách thương hiệu, bạn cũng nên xây dựng một tiếng nói riêng cho thương hiệu của mình. Giọng nói thương hiệu của bạn sẽ quyết định cách bạn tương tác với khác hàng. Nó thường được phản ánh thông qua cách bạn trả lời tin nhắn hoặc viết chú thích trên Instagram và Facebook. Bạn muốn thương hiệu của mình nghiêm trang hay giản dị? Tinh tế hay hài hước? Việc định hướng này sẽ tùy thuộc vào phân khúc khách hàng mà bạn hướng đến.

Ví dụ, đối với các thương hiệu mà đối tượng mục tiêu là doanh nhân, thì cách tốt nhất chính là sự kết hợp giữa trang nghiêm và chuyên nghiệp. Còn với những thương hiệu phục vụ chủ yếu cho thế hệ Millennials (Thế hệ sinh từ năm 1980 đến 1998, tức 22-39 tuổi), thì nên thu hút sự chú ý của họ bằng giọng điệu thân thiện, những Meme, truyện cười, GIF và những bài viết về văn hóa nhac pop.

Tiếng nói thương hiệu cũng cần phải duy trì sự nhất quán. Một khi bạn đã quyết định tiếp cận một cách chuyên nghiệp, thì bạn không nên sử dụng biểu tượng cảm xúc trong các bài viết của mình. Việc sử dụng tiếng lóng, viết tắt và hài hước cũng là một trong số những thứ bạn nên quyết định trước khi làm. Hãy phân rõ những gì không phù hợp với tiếng nói thương hiệu của bạn để tránh phạm phải.

Lấy ví dụ, nội dung mà ThinkGeek đăng. Đối tượng mục tiêu của họ là những người yêu thích công nghệ, những người cũng yêu thích những thứ kỳ quái. Vì vậy, nội dung mà họ đăng lên đa số đều là những bài viết liên quan đến văn hóa nhạc pop. Điều ấy hoạt động tốt với họ, nhưng có thể sẽ không phù hợp với những người theo đuổi sự tinh tế. Vậy nên, trong quá trình tạo nên tiếng nói thương hiệu của mình, bạn phải chú ý xem đâu là điều mình muốn hướng tới để có những động thái cho phù hợp. Thực hiện tốt những việc ấy sẽ giúp bạn thiết lập một hệ thống nhận diện thương hiệu vững chắc.

7. Đừng ngại thể hiện quan điểm

Một cách khác để kết nối với khách hàng là cho họ thấy thương hiệu bạn có chung chí hướng với họ. Bằng việc thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội, người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm đến xã hội của bạn. Một nghiên cứu của Edelman chỉ ra rằng 30% người tiêu dùng quyết định mua hàng dựa trên thái độ của thương hiệu đó đối với các vấn đề xung quanh. 57% người dùng thậm chí còn thừa nhận họ sẽ mua một sản phẩm hay tẩy chay nó hoàn toàn dựa trên lập trường của thương hiệu.

Việc có chung lập trường với khách hàng đôi khi còn gợi lên sự tin tưởng và trung thành của họ đối với bạn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn thể hiện nó với một giọng điệu chân thành bởi nếu không nó sẽ gây những tác động tiêu cực vô cùng lớn đối với thương hiệu của bạn. Không ai thích sự đùa giỡn với những vấn đề xã hội nghiêm trọng cả.

Các ứng dụng như Music Discovery hay Shazam đã làm rất tốt chiến thuật này. Họ đã sử dụng chiến lược này một cách sáng tạo để truyền bá nhận thức về Alzheimer – một bệnh lý về não ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Người dùng thường sử dụng Shazam để xác định được một bài hát mà họ vô tình nghe được nhưng không biết tên. Để giáo dục khán giả của họ về Alzheimer, Shazam đã thay đổi câu trả lời của họ trong ứng dụng. Thay vì xác định bài hát ngay lập tức, họ đã gửi những tin nhắn với nội dung là : “I just can’t quite…” để giúp người dùng liên tưởng đến những triệu chứng của căn bệnh. Ngoài ra, họ thậm chí còn chuyển hướng người dùng đến một trang quyên góp để nghiên cứu về Alzheimer.

Kết luận

Đối với tất cả các doanh nghiệp, việc tạo ra một hệ thống nhận diện thương hiệu vững chắc là điều cần thiết. Nó giúp mọi người liên tưởng đến sản phẩm của bạn ngay khi họ nhìn thấy một hình dạng cụ thể hoặc nghe một giai điệu nào đó. Quan trọng nhất là nó giúp cho thương hiệu của bạn nổi bật giữa đám đông. Thực hiện tốt những chiến lược đề cập ở trên sẽ làm cho thương hiệu của bạn ngày một phát triển và lớn mạnh.